Thứ Hai, 17 tháng 1, 2011

Săn lùng bánh chưng "xanh, đỏ, đen" đón Tết

Tết Nguyên Đán tới gần, bên cạnh bánh chưng xanh truyền thống, bánh chưng gấc đỏ, bánh chưng cốm xanh và bánh chưng cẩm đang được nhiều người săn lùng.

Lạ miệng với bánh chưng cốm


Bánh chưng cốm được bán nhiều ở phố Hàng Than và bán trên một số trang rao vặt, website về trẻ nhỏ. Giá của mỗi chiếc bánh chưng cốm to loại đặc biệt: 100.000 đồng/cái, loại vừa 80.000 đồng/cái.

Nguyên liệu để làm bánh chưng cốm bao gồm cốm khô, gạp nếp ngâm với lá thơm tạo màu xanh cũng như mùi thơm đặc trưng. Nhân bánh chưng cốm thường là nhân ngọt, đỗ xanh được nấu giống chè kho, cũng có thêm thịt nạc bên trong.

 


Bánh chưng cốm được bán như "hàng xách tay", chưa rõ nguồn gốc xuất xứ. Chị Hương Giang, một người bán bánh chưng cốm trên mạng cho biết bánh do ông ngoại đã 86 tuổi của chị gói. Trước khi làm cho khách, ông phải làm thử để ăn xem có giữ đúng vị truyền thống hay không.

Chiếc bánh của ông gói không “bóng bảy” và vuông thành sắc cạnh như những chiếc bánh bây giờ nhưng chỉ cần cầm chiếc bánh chắc nịch, vỏ mỏng, thơm phức là đã thấy thèm thuồng khó tả.

Bánh chưng cốm được nhiều bà mẹ trẻ, nhiều cô dâu hiền chọn làm quà biếu trong dịp tết từ trong Nam ngoài Bắc.

Vang danh bánh chưng đỏ Tranh Khúc

Khoảng 3, 4 năm trở lại đây, bên cạnh chiếc bánh chưng xanh, làng Tranh Khúc (Thanh Trì, Hà Nội) còn làm thêm bánh chưng gấc đỏ. Ban đầu, người trong làng chỉ làm ăn chơi trong gia đình và biếu họ hàng, nhưng sau đó nhiều người đặt mua nên bánh chưng đỏ được làm phổ biến hơn.

Bánh chưng gấc đỏ được nhiều người đón nhận nồng nhiệt vì bánh vừa có màu đỏ đẹp mắt nhìn như xôi gấc, khi ăn lại có vị dẻo, nhuyễn của bánh chưng.

Về cơ bản, bánh chưng gấc có vỏ ngoài vẫn là màu xanh truyền thống, nhưng bên trong là màu đỏ au rất đẹp, thơm ngầy ngậy vị gấc. Nhân bánh chưng vẫn là đỏ xanh nhưng trộn thêm đường, vẫn có thịt lợn nhưng nạc nhiều hơn mỡ.

 

Những người gói bánh không cần khuôn mà vẫn vuông và chặt. Nguyên liệu làm bánh cũng được lựa chọn rất kỹ. Muốn bánh ngon phải chọn nếp cái hoa vàng của Hải Hậu, Hải Dương, gấc đỏ tươi vừa độ chín, lá phải là lá dong nếp rừng và phải dùng nước sạch. Luộc bánh cũng đòi hỏi kỷ thuật cao. Bánh khi được luộc xong được ép để có độ dền, chặt

Nghề làm bánh chưng ở Tranh Khúc là một nghề gia truyền. Người dân làng này không chỉ làm bánh chưng để phục vụ cho ngày Tết cổ truyền mà họ làm bánh chưng quanh năm. Các gia đình trong làng ít đi bán lẻ, thường đổ buôn cho nhà hàng ở các chợ Đồng Xuân, chợ Hôm..., các bệnh viện, khách sạn lớn ở Hà Nội.

Độc đáo bánh chưng đen

Bánh chưng đen hay còn gọi là bánh chưng cẩm là món bánh không thể thiếu trong mâm cỗ cúng gia tiên của người dân tộc Tày ở huyện miền núi Bắc Sơn (tỉnh Lạng Sơni).

Điểm độc đáo của món bánh này chính là màu đen của bánh. Đó là một màu đen tím như hạt nếp cẩm nhưng lại rất mềm và dẻo, vị thanh mát.

Nhìn bề ngoài, bánh chưng đen cũng gói bằng lá dong xanh nhưng không có hình vuông như bánh chưng xanh mà hình dạng tròn, dài, gần giống bánh tét ở miền Nam.

 

Nguyên liệu làm bánh cũng có nhiều thứ khá đặc biệt mang phong vị vùng cao: lúa nếp nương, thảo quả, thịt lợn, đỗ xanh và đặc biệt là màu đen của bánh được tạo ra từ than gỗ của cây núc nác trên rừng hoặc tro nếp.

Nguyên liệu làm bánh phải được chọn lựa kỹ càng: lá dong bánh tẻ, khổ vừa phải, rửa sạch, lau khô, lúa nếp nương phải là thứ nếp thơm ngon, nhân đỗ xanh đãi sạch vỏ, không lẫn sạn. Thịt lợn ngon nhất là thịt ba rọi, nhiều mỡ một chút, thái mỏng, ướp với gia vị, quả thảo quả khô, nướng cho thơm lừng, giã nhỏ trộn vào thịt cùng với tiêu, ớt bột.

Bánh phải được gói thủ công, trước khi luộc bánh, người ta đem ngâm qua nước lạnh một lần, xếp vào nồi đổ nước cho ngập mặt lá, đun khoảng 4 - 5 tiếng thì vớt ra.

Bánh chưng đen ăn trong dịp tết, ngon nhất vẫn là nướng. Bánh cứ để cả lá, đặt lên lớp than hồng, phủ than nóng lên, đến khi lớp lá ngoài cháy hết thì mùi thơm của gạo nếp, của thảo quả, của thịt mỡ lan tỏa trong không khí đánh thức cảm giác muốn thưởng thức của mọi người.

Ngoài người Tày ở Bắc Sơn (Lạng Sơn), Người Thái ở Lai Châu cũng làm bánh chưng đen tương tự gọi là Khẩu tủm đăm.
Từ khóa: catering, bánh trưng, tết tân mão, suất ăn công nghiệp, bếp tập thể, món ngon.

Thứ Ba, 11 tháng 1, 2011

Món ăn cổ truyền ngày Tết ở các nước

Cũng như ở Việt Nam, tại một số nước trên thế giới người dân rất chú trọng tới văn hóa ẩm thực ngày Tết. Ăn Tết làm sao cho an toàn, đủ chất dinh dưỡng và hơn nữa, thức ăn còn mang đến cho họ nhiều hy vọng thành công trong năm mới.

Hàn Quốc

Những ngày đầu xuân ở nước này, có nhiều món ăn được làm từ gạo và khoai tây. Có một điều đặc biệt là, món thịt chó vốn được xem là món khoái khẩu của người dân Hàn Quốc lại không được xem là món ăn truyền thống trong ngày Tết. Trong khi kim chi là món ăn cổ truyền, đồng thời cũng là món ăn thường ngày của người Hàn Quốc vẫn được dùng đến. Dùng món này nhiều trong năm mới, mọi người cảm thấy sẽ có nhiều điềm lành hơn, đặc biệt là đối với giới doanh nhân.


Ảnh: lifestyle.vzone.vn
 
Ngoài ra, tok và garettok cũng là hai món ăn bắt buộc trong ngày Tết ở Hàn Quốc. Đây là các món ăn từ các loại thịt gia súc và gia cầm, chế biến bằng cách đem chiên. Sau bữa ăn, mọi người thường uống poricha, được làm từ trà pha chế với bột lúa mạch. Riêng loại rượu gui balki sool là thức uống bắt buộc trong ngày Tết, ai cũng phải uống dù ít hay nhiều để lấy may mắn. Người Hàn Quốc còn có quan niệm cho rằng các món trên khi tự tay chế biến sẽ mang lại nhiều tài lộc hơn là đi mua.

Lào

Tết của Lào thường diễn ra trễ hơn, vào giữa tháng 4 dương lịch, khi bầu trời thanh cao, các dòng sông lớn ở đây đều dồi dào nước tượng trưng cho một năm mới nhiều lộc.

Trong ngày Tết, người Lào rất chú trọng tới việc ăn món lạp, đặc biệt là các doanh nhân. Theo ngôn ngữ của nước này, lạp có nghĩa lộc. Lạp ở đây thường được làm bằng thịt gà hay thịt bò tươi, sau đó đem trộn với gia vị. Đặc biệt, món này mà không có thính thì sẽ làm giảm hương vị độc đáo của chúng. Trong mỗi gia đình, đặc biệt là những người làm nghề kinh doanh, món lạp thường được các đầu bếp làm rất công phu, vì nếu món này trong ngày Tết mà không ngon thì họ thường ví năm mới làm ăn có nhiều điềm xui. Lạp thường được ăn với xôi nóng.


 
Theo nhiều chuyên gia văn hóa Lào thì lạp được xem như là "linh hồn" của người Lào trong năm mới. Người ta có thể tặng nhau món lạp thay lời chúc may mắn đầu năm. Gia đình nào nhận được nhiều món này thì hy vọng năm mới sẽ có nhiều tài lộc...

Trung Quốc

Sủi cảo là món ăn phổ biến ngày Tết, được giới doanh nhân ưa chuộng nhất. Họ ăn loại bánh này trong ngày Tết không chỉ lấy ngon mà còn hy vọng nó sẽ đem lại nhiều điều may mắn cho việc kinh doanh sau này. Ở Trung Quốc, thứ gạo được chế biến trong ngày Tết để cho nhiều người ăn cảm thấy may mắn là gạo trắng và gạo nếp. Người làm kinh doanh quan niệm rằng, khi ăn hai loại gạo trên sẽ gặp được nhiều cơ hội giao thương trong năm mới. Ngoài ra, hai loại gạo này cũng khiến cho người ăn dễ "cầu được ước thấy" trong các chuyện làm ăn.


 
Nhật Bản

Những ngày đầu năm ở Nhật Bản, các món không thể thiếu trong mỗi bữa ăn đó là các sản phẩm được chế biến từ đậu đen, cá và các loại hải sản khác nhau.

Theo quan niệm của người Nhật Bản, cá gần gũi với cuộc sống của con người và loại này cũng rất thông minh. Vì vậy, khi ăn các loại động vật trên sẽ giúp cho con người năng động hơn, tâm trí sẽ sáng suốt trong công ăn việc làm. Ngoài các món trên, trong ngày Tết còn có nhiều loại nước sốt được làm từ các loại đậu để chấm các loại bánh, chả và cá nướng. Thực phẩm để ăn cùng với nước sốt và gỏi cá là các loại bánh, mì sợi được chế biến từ các loại gạo.


Ảnh: amthuc.com.vn
 
Người dân Nhật Bản thường tâm niệm rằng, các sản phẩm được làm từ gạo là món ăn gốc để làm nên cội nguồn thành đạt ở mỗi con người. Các loại bánh được làm từ gạo thường có tên là omochi. Tất cả những món ăn trong năm mới thường được bảo quản trong những chiếc hộp quét sơn đỏ. Hộp gói thức ăn càng đẹp bao nhiêu thì niềm hy vọng bội thu trong năm mới càng lớn bấy nhiêu.

Ấn Độ

Người theo Ấn Độ giáo và giới doanh nghiệp nước này thường tổ chức đón năm mới vào ngày Lễ hội Ánh sáng (Diwali). Lễ hội này thường diễn ra vào ngày 25/10 hằng năm. Khi màn đêm buông xuống, người dân Ấn Độ bắt đầu đốt đèn, bắn pháo hoa và vui mừng đón một năm mới. Lễ hội trên bắt nguồn từ sự trở về của thần Rama, đem sức mạnh và ánh sáng cho nhân loại. Trong những ngày này, mọi người trao quà lưu niệm, đồng thời chúc nhau những lời chúc tốt đẹp nhất.


Ảnh: lifestyle.vzone.vn
 
Món ăn trong ngày Tết ở Ấn Độ là các loại trái cây đắng để cầu lấy điều may mắn. Ngoài ra, người dân Ấn Độ tin tưởng rằng, ăn món này sẽ đuổi được nhiều ma quỷ thường quấy quả họ trong công việc làm...
http://www.galaxy-catering.com.vn/
Từ khóa: món ngon, suất ăn, tết, văn hóa các nước, ẩm thực

Chủ Nhật, 2 tháng 1, 2011

Món ngon ngày Tết: Chỉ nên là hương vị

Tết là dịp họp mặt, ăn uống, vui chơi nên món ăn ngày Tết luôn ngon, nhiều và lúc nào cũng trong “tư thế” sẵn sàng lên mâm. Tuy nhiên, “bệnh tòng khẩu nhập” tức bệnh theo miệng mà vào, nên để phòng thân, nên hiểu rõ các món Tết để ăn cho hợp lý.
Bánh chưng bổ, khoẻ nhưng...

Nếu ở miền Bắc, “Tết về nhớ bánh chưng xanh” thì miền Nam còn có thêm bánh tét. “Đội quân” nguyên liệu làm nên bánh chưng gồm: đậu xanh, nếp, tiêu, thịt nạc vai. Bánh tét ngoài “nhân” nếp, đậu xanh, thịt ba rọi còn có bánh tét nhân đậu đen. Nếp để gói bánh “béo bở” hơn nhờ thêm dừa nạo hoặc nước cốt dừa. Bánh tét thập cẩm lại càng phong phú: trứng, tôm khô, lạp xưởng, hạt sen, thịt giò, trứng bắc thảo, đậu phộng, nấm đông cô trộn với nhân đậu xanh.

Lương y Đinh Công Bảy - Hội Dược liệu TPHCM cho rằng: Các thành phần thực phẩm chủ đạo tạo nên bánh chưng có tác dụng giúp tăng cường sức khoẻ, tuổi thọ, chống lão hoá, bồi bổ cơ thể... Trong đó, công đầu là đậu đen, đậu xanh nhờ tính mát, có tác dụng thanh nhiệt giải độc, giải cảm. Bánh thập cẩm thỏa điều kiện dinh dưỡng hiện đại là cung cấp nhiều loại thực phẩm (theo khuyến cáo mới nhất của WHO thì mỗi ngày, mỗi người phải ăn tối thiểu 20 loại thực phẩm thuộc bốn nhóm thì mới đủ dinh dưỡng), mỗi loại có một công dụng riêng.

Tốt thì tốt thật nhưng theo TS Nguyễn Thị Minh Kiều  - Hội Dinh dưỡng và thực phẩm TPHCM, cái bánh chưng nặng 1kg, cung cấp khoảng 2.000calo. Bánh tét cũng tương đương; nếu vỏ bánh được xào và trộn dừa, hoặc bánh nhân thập cẩm thì năng lượng sẽ thêm khoảng 30-50calo. Ở người cao tuổi, bữa ăn chính chỉ cần 400-500kcal (khoảng 1/5 cái bánh chưng lớn). Do đó, chỉ cần vui miệng một chút là sau Tết lập tức thừa cân béo phì.

“Cân đo” cỗ Tết
 
Tết đến, không thể thiếu khoanh giò bì. Giò bì làm từ thịt nạc trộn bì heo, vừa ngon vừa thơm. Họ hàng nhà giò còn có giò thủ làm từ thịt đầu heo, giò lụa làm từ thịt nạc heo... Nhờ không cần chế biến, chỉ cắt là ăn nên trẻ con người lớn đều có thể dùng làm “mồi” trong khi chờ đợi món chính. Về năng lượng, cứ 100gr giò lụa chứa 136 calo, giò thủ do làm từ thịt đầu heo nên năng lượng nhảy vọt lên 553calo mỗi 100gr. Ăn một miếng giò thủ bằng bốn miếng chả lụa. Vì vậy, hãy cân nhắc trước khi gắp miếng thứ hai, thứ ba.

Món đầu heo ngâm giấm cũng được các vị nội trợ ưu tiên chọn làm món ăn nhanh gọn nhẹ. Về năng lượng, tuy xắt lát mỏng, trông có vẻ “ốm yếu”, vị chua chua, ngòn ngọt dễ ăn nhưng năng lượng của món này không hề thua thịt thủ thông thường. Thậm chí, nếu thịt thủ ngâm ngọt, năng lượng còn tăng khoảng 530calo/ngày.

Ngày Tết, đi đâu cũng “đụng” món thịt kho nước dừa hay gọi theo dân miền Tây là thịt kho rệu. Miếng thịt mềm, màu vàng óng ả, ăn với cơm, xôi, gói bánh tráng cuốn chấm đều hấp dẫn. Cứ một miếng thịt gà và nửa quả trứng cung cấp 155ccal. Thịt gà, vịt luộc ăn cả da, kèm thêm vừa cháo, vừa gỏi, luôn cả gia vị, mỗi người làm... một bụng là coi như nạp cả ngàn calo.

Khó tính năng lượng nhất là món quốc hồn, quốc tuý nổi tiếng thế giới: chả giò. Năng lượng của chả giò tuỳ thuộc vào nguyên liệu và bánh tráng. Song, nếu tính chung chung một chiếc chả giò cỡ bằng hàng đông lạnh siêu thị thì khoảng 40-50calo/cuốn, nếu cuốn bằng bánh tráng rế thì khoảng 45-50calo/cuốn. Cứ so với việc người lao động nhẹ mỗi ngày tiêu thụ 1.800kcalo, lao động nặng tiêu thụ từ 2.200 - 2.400kcalo sẽ thấy... sợ.

“Tác dụng phụ” của dưa hành củ kiệu

Dù ba miền của Việt Nam có khẩu vị ẩm thực khác nhau nhưng đều dùng dưa kiệu như món ăn chung trong ngày Tết. Kiệu được yêu thích vì mùi vị không “hung hăng” quá quắt như hành. Lại thêm món dưa là một món tuyệt vời, vừa có chất xơ trợ lực hệ tiêu hoá, vừa dùng với thức ăn béo ngậy như thịt kho rệu, bánh chưng rất hạp. Thế nhưng, gần đây các bà nội trợ đã “nhát tay” khi chọn mua các thực phẩm ướp muối, ủ chua, ngâm giấm và hun khói vì chúng được liệt vào danh sách các thực phẩm gây ung thư. Sự thật thế nào?

Chuyên gia về ung thư, GS Nguyễn Chấn Hùng xác nhận: “Các loại thức ăn muối mặn như: dưa chua, cà pháo, mắm tôm, thịt hun khói làm tăng nguy cơ ung thư bao tử do có chất nitrosamin. Nhưng, chỉ những ai ăn hoài một món mới dễ bị mà thôi”. Ông hướng dẫn thêm: “Ăn vừa phải dưa món, củ kiệu cùng với các thực phẩm chống ung thư như: rau xanh, hoa quả tươi thì không có gì đáng sợ”.

Công - tội của mứt
 
Tham gia vào việc tạo nên không khí Tết còn có hương vị ngọt ngào của mứt. Nguyên liệu làm mứt vô cùng phong phú, gần như có củ quả nào là có thể làm loại mứt đó. Gần đây mứt không còn được ưa chuộng như xưa vì đằng sau vị ngọt ngào là tên “sát thủ” huỷ hoại vòng eo. Tội của mứt là vậy, còn công?

Lương y Đinh Công Bảy cho biết, mứt có nhiều công dụng tốt nếu dùng đúng. Đầu tiên là mứt gừng, nếu bị trướng bụng, khó tiêu do nhiệt tình “múa môi”, chỉ cần vài lát gừng sau bữa ăn là không còn phải lo. Xếp hạng nhì có mứt tắc, loại làm nguyên trái, ăn cả vỏ vừa trợ tiêu hoá vừa thông cổ. Mứt tắc, mứt hồng còn là “thuốc” dành riêng giải độc rượu cho các ông. Đứng hạng ba là mứt cà rốt với công dụng trị bệnh tiêu chảy, kiết lị và tăng sức đề kháng. Ngoài ra, mứt sen giúp giảm căng thẳng, ngủ ngon, mứt cà chua (cả vỏ) giúp trẻ đẹp và ngừa ung thư từ xa...

Luận công - tội thì món mứt quả là công nhiều hơn tội; nếu được sản xuất trong điều kiện bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Suy cho cùng, mọi sự cố xảy ra trong dịp Tết như thừa cân, tăng huyết áp, tăng đường huyết... không phải do thực phẩm gây ra mà là do chúng ta đã ăn quá mức và bất hợp lý. Trong mỗi bữa ăn, nên chú ý chọn thực đơn sao cho có sự cân bằng giữa rau củ và thịt để dễ tiêu hoá. Nếu có điều kiện, nên thiết kế sẵn thực đơn cho ba ngày Tết, để chủ động đề phòng các loại bệnh.
Từ khóa: món ngon, tết 2011, galaxy catering, suất ăn công nghiệp. VSATTP, thực phẩm sạch